Trầm tĩnh và kiệm lời, với một tình yêu sơn mài lặn vào trong máu, anh Ty – thợ cả của xưởng sơn mài Hanoia được ví như “báu vật” của nghề sơn mài truyền thống, hay cuốn “cẩm nang sống” về các kỹ thuật cổ.
Kế thừa những bí quyết sơn mài có từ ngàn xưa đã khó, biến chúng thành một ngôn ngữ biểu đạt mới, phong phú hơn và gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại còn khó hơn nhiều. Vậy mà anh Ty, thợ cả xưởng sơn mài Hanoia đã làm được điều đó.
Sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng sơn mài cổ gần Bình Dương, Sài Gòn, anh Ty theo chú học nghề sơn mài từ nhỏ. Sớm gắn bó với những lọ, bình, tranh, hũ.., những kỹ thuật sơn mài như mài quang, đánh bóng, khảm trai, cẩn trứng.., anh Ty coi sơn mài là gia đình, là lẽ sống của mình trong suốt mấy chục năm qua. Anh đã từng bôn ba lên Sài Gòn lập nghiệp, đã từng tiếp xúc với sơn mài Nhật Bản và lao tâm khổ tứ với nghề sơn mài truyền thống Việt Nam. Số phận tình cờ đưa anh gặp cô Rose, một nhà thiết kế người Pháp có tâm huyết với nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Anh trở về Bình Dương lập xưởng Thiên Hồng, cùng cô Rose tạo nên những sản phẩm sơn mài cao cấp theo yêu cầu độc quyền của một số nhà mốt lớn trên thế giới. Sau cô Rose là những nhà đầu tư khác cùng chung chí hướng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam. Họ đã cho ra đời thương hiệu sơn mài Hanoia, mở thêm một xưởng sơn mài ở làng nghề Hạ Thái thuộc ngoại vi Hà Nội và từ đó anh Ty cứ đi về giữa hai đầu Nam Bắc, để kiểm tra, giám sát các quy trình sản xuất, để truyền bá kinh nghiệm cho thế hệ nghệ nhân trẻ và để nghiên cứu, tìm tòi các hiệu ứng màu mới, các kỹ thuật sơn mài độc bản của Hanoia.
Hanoia là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật sơn mài truyền thống và phong cách thiết kế đương đại châu Âu. Các nghệ sĩ đã đặt lên bản vẽ của mình những gam màu biết nói, những hình khối mới lạ, những họa tiết khi tinh tế, khi trừu tượng… Và nhiệm vụ của những nghệ nhân sơn mài như anh Ty là biến những ý tưởng độc đáo này thành hiện thực. Không chỉ khó, đó là cả một sự thách thức cần đến lòng yêu nghề và sự nhạy cảm thẩm mỹ của người thợ. Anh Ty chia sẻ: “Có những màu mới chúng tôi phải nghiên cứu, pha trộn và thể nghiệm trong hàng tháng trời mới tìm ra được ngôn ngữ chính xác mà mình mong muốn”. Nhờ anh, hiện nay Hanoia có đến vài chục sắc độ bóng, nhiều kỹ thuật sơn mài độc bản như mài loang, mài xước, sơn mài trên kim loại… và một bảng màu vô tận của sơn mài.
Trong số các sản phẩm của Hanoia, anh Ty tâm đắc nhất với tác phẩm bàn sơn mài mặt màu đồng giả cổ. Anh tâm sự một kỷ niệm gắn với chất liệu đồng. Ngày nhỏ, có lần ông chú dượng mang đến nhà anh một chiếc vỏ đạn bằng đồng nhờ đánh bóng. Do lười, làm ẩu, anh đã đánh bóng không đến nơi đến chốn nhưng vô tình lại tạo ra hiệu ứng mài xước rất độc đáo trên bề mặt đồng. Từ đó, anh nung nấu một ngày sẽ ứng dụng kỹ thuật này vào sơn mài và chiếc bàn sơn mài này đã tái hiện lại một phần ký ức tuổi thơ của anh.
Anh Ty có cả một kho kinh nghiệm về sơn mài truyền thống. Anh nói sơn ta bền, đẹp, nhưng bị hạn chế về màu. Tuy nhiên, nếu đem trộn lẫn sơn Phú Thọ (miền Bắc) với sơn Nam Vang (miền Nam) theo tỉ lệ 1:1 thì sẽ tạo nên một loại sơn đẹp hơn, màu sắc phong phú hơn. Còn nếu muốn tạo độ sâu, độ bóng của sơn, khi nấu ta nên bỏ thêm một vài loại nhựa thông vào.
Đam mê với nghề, anh Ty đã chứng kiến những bước thăng trầm của sơn mài Việt Nam, thời sơn ta còn giữ vị trí độc tôn, thời lên ngôi của sơn Nhật với những ứng dụng gần gũi hơn trong cuộc sống. Nhưng dù có phát triển đến đâu, mỗi sản phẩm sơn mài đều phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe và tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải thao tác bằng tay với sự tập trung và lòng kiên nhẫn. Mỗi lớp sơn sau khi được phủ lên bề mặt gỗ đều phải mài cho mỏng đi. Không thể tả được lớp sơn đó cần mỏng đến mức nào cũng như không có công thức cần mài đi bao nhiêu. Tất cả đều phụ thuộc vào cảm giác của người thợ. Ngay cả khi phun sơn, chuyển động của dòng sơn cũng phải dịu dàng, uyển chuyển để tạo độ mịn màng, óng ả của lớp sơn. Không một phần mềm hay cỗ máy nào thay con người kiểm soát được sự tinh tế đó.
Riêng anh Ty, anh vẫn luôn nhớ về thời vàng son của sơn ta, khi mỗi lọ độc bình cần từ 6 tháng đến 1 năm chế tác và có thể rơi ở độ cao 5-6 mét mà không hề hấn gì. Anh luôn mong muốn làm sơn mài bằng kỹ thuật truyền thống mà tổ tiên và ông bà mình để lại. Bởi vậy, sơn mài Hanoia, dù cách tân, đổi mới, vẫn luôn mang đậm bản sắc Việt Nam.