TÁC PHẨM SƠN MÀI CỦA HANOIA GÓP MẶT TẠI “TRIỂN LÃM BẢN THỂ”, HÀ NỘI

Không chỉ gây ấn tượng với những BST mang dấu ấn Hanoia 2.0 trẻ trung, Hanoia còn không ngừng khai thác sâu hơn khía cạnh nghệ thuật của chất liệu sơn mài. Gần đây nhất, Hanoia đã góp mặt tại “Triển lãm Bản thể” – một triển lãm nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Văn hóa và Thương hiệu Ý tại Hà Nội – Casa Italia từ 22/4 đến hết 7/5.

“Triển lãm Bản thể” là triển lãm nghệ thuật đa phương tiện do nghệ sĩ PSI lên ý tưởng, Bát Tràng Museum giới thiệu, tổ chức và tham gia thực hiện. Triển lãm khắc hoạ chân dung của những người phụ nữ nổi bật trong nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho xã hội và đại diện cho nhiều thế hệ khác nhau. Các tác phẩm dẫn dắt người xem qua những câu chuyện chân thật, lay động từ đời sống của nhân vật, đến sự thăng hoa trong sự nghiệp, hay trải nghiệm tinh thần mang dấu ấn riêng.

Tại triển lãm này, Hanoia mang đến 2 tác phẩm được chế tác dựa trên bản thể của 2 nhân vật: Chị Nguyễn Thị Nhung – Founding Partner của Openasia Group và Á Hậu Thảo Nhi Lê. 2 nhân vật đại diện cho 2 thế hệ với những câu chuyện, quan điểm cá nhân riêng được khắc hoạ khéo léo qua ngôn ngữ sơn mài Hanoia.

Kể câu chuyện của mỗi nhân vật qua sắc màu sơn mài truyền thống

Bức tượng bán thân trên của Thảo Nhi Lê được coi là một trong số ít những tác phẩm có tiết diện lớn trong triển lãm lần này, tôn vinh hiệu ứng “Red River” – một trong những kỹ thuật sơn mài độc bản của Hanoia với nhiều lớp lang và mảng khối, chỉ có thể phát huy hết vẻ đẹp khi được thể hiện trên một bề mặt đủ rộng. Red River, còn gọi là hiệu ứng Phù Sa, được lấy cảm hứng từ hoa sắc của sông Hồng (sông Cái) dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ. Sử dụng hiệu ứng này, Hanoia mong muốn khắc họa tính nữ của tác phẩm và thể hiện sự tuôn trào bên trong của một năng lượng trẻ đầy cảm hứng như Thảo Nhi Lê.

Khác với bức tượng bán thân của Thảo Nhi Lê, tác phẩm đôi bàn tay của chị Nguyễn Thị Nhung tưởng chừng mong manh và yếu ớt, đối lập hoàn toàn với sắc đỏ và cam tràn đầy năng lượng trên chất liệu sơn mài. Lựa chọn cách sử dụng màu mạnh và tạo hiệu ứng lan màu cam từ trong lòng đôi tay là cách Hanoia miêu tả hình ảnh một người phụ nữ bé nhỏ nhưng luôn mang trong mình một ngọn lửa của lòng nhiệt tình và của một trái tim đầy nhân hậu.

Hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo nhờ đôi bàn tay tài khéo của các nghệ nhân

Khuôn ngực hay đôi bàn tay đều là những dáng hình tự nhiên với các góc cạnh và bề mặt gồ ghề, không bằng phẳng. Những bề mặt đó chính là thách thức lớn nhất của người làm sơn mài. Làm sao có thể lưu giữ vẹn toàn sự chân thật của từng đường nét cơ thể trên những lớp sơn mài, đồng thời tạo nên sự hài hòa ấn tượng của tác phẩm?

Hanoia đã giao phó công việc khó khăn này cho anh Võ Đông Hồ, người thầy của các nghệ nhân trong xưởng Hanoia. Với kinh nghiệm hơn 35 năm trăn trở với nghề sơn mài, anh Đông Hồ đã giữ lại được từ đường chỉ tay đến những đoạn hõm eo một cách duyên dáng và mềm mại sau bao nhiêu lớp hom, lót, vào màu và làm bóng. Sau khi ưng ý với phần hiệu ứng cho phiên bản thủ công cuối cùng, nhóm thiết kế Hanoia cũng phải thử nghiệm 3D trên 10 hiệu ứng khác nhau cũng như lựa chọn nhiều cách đặt mảng màu trước khi thực hiện trên khuôn mẫu chính.

Nếu như Red River sử dụng kỹ thuật mài hiệu ứng hết sức cầu kỳ trên nền các lớp lá bạc được nhuộm màu, để lộ ra các mảng khối cơ thể đầy ấn tượng, thì kỹ thuật thổi lan màu nhẹ nhàng nhưng kết hợp bằng hai tông màu nóng rực đem đến cho đôi bàn tay một sự đồng nhất và tập trung trong biểu đạt ý tưởng. Bằng đôi mắt tinh tường, đôi bàn tay cẩn thận và chính xác, anh Võ Đông Hồ và các nghệ nhân xưởng sơn mài Hanoia đã góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng tại triển lãm Bản thể vừa qua.

Openasia nuôi dưỡng các giá trị bền vững

Alba Thanh Tân, 25 năm một chặng đường

Bài viết liên quan