Người nữ doanh nhân đam mê với hành trình kết nối văn hóa

Nhân dịp 20 năm Heritage Fashion, Tạp chí đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nhung, CEO tập đoàn Openasia, một đối tác đã luôn đồng hành cùng Tạp chí từ những ngày đầu tiên cho đến sự phát triển rực rỡ ngày hôm nay.

Heritage Fashion: Openasia là một cái tên mang đầy tính gợi mở. Liệu có mối liên hệ nào giữa cái tên này và những người sáng lập?
Bà Nguyễn Thị Nhung: Chúng tôi rất tâm đắc với hình chữ O mở trên logo của Openasia. Nó thể hiện tinh thần ham học hỏi, luôn sẵn sàng đón nhận cái mới. Nó cũng là cầu nối gắn kết chúng tôi, 3 con người, 3 cá tính khác biệt trong suốt hơn 25 năm qua. Christian de Ruty, một cái tên rất Pháp, nhưng ông lại nói tiếng Việt như người Việt và thạo văn hóa Việt Nam. Đoàn Viết Đại Từ, một cái tên rất Việt nhưng lại là một quý ông rất Pháp bởi trong ông luôn chảy hai dòng máu Pháp – Việt. Và tôi, Nguyễn Thị Nhung, một phụ nữ thuần Việt có may mắn được học tập trên đất Pháp và được gặp gỡ Christian de Ruty và Đoàn Viết Đại Từ. Chúng tôi là ba người bạn nhưng thuộc về một gia đình, gia đình Openasia.

Bà có thể chia sẻ một chút về câu chuyện ra đời và chặng đường phát triển của Openasia?
Openasia được thành lập năm 1994. Ban đầu, chúng tôi là ba con người cùng chung đam mê, nhiệt huyết và niềm mong muốn xây dựng một cầu nối giữa châu Âu và Việt Nam. Chúng tôi đã tận dụng mọi cơ hội để biến giấc mơ này trở thành hiện thực. Từ những thành tựu nho nhỏ trong lĩnh vực cung cấp thiết bị nặng, chúng tôi phát huy thế mạnh tư vấn tài chính của mình, rồi từng bước tham gia thị trường bán lẻ xa xỉ, mang các thương hiệu thời trang uy tín của châu Âu đến với người tiêu dùng trong nước. Rồi may mắn tiếp sức để chúng tôi gây dựng nên Thiên Hồng và Hanoia, Press Club và Alba, STS và Opal… Trên mỗi chặng đường phát triển ấy luôn có sự giao thoa của hai nền văn hóa Pháp – Việt. Đó chính là điều khiến chúng tôi vui sướng và tự hào.

Cái “được” lớn nhất của bà khi mang những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới về Việt Nam là gì?
Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ những thương hiệu thời trang này, đặc biệt từ Hermès. Là nhà phân phối Hermès tại Việt Nam, tôi được tham gia một số sự kiện do Hermès tổ chức, được tiếp xúc với sự tinh tế tuyệt vời, với cái đẹp chạm đến trái tim của người thưởng thức. Tôi thực sự cảm phục cách họ trân trọng nghề thủ công, trân trọng đôi bàn tay tài khéo của các nghệ nhân, cũng như sức sáng tạo của họ trong việc làm truyền thông, xây dựng các chủ đề, các bộ sưu tập theo mùa… Với tôi, đó là những trải nghiệm vô cùng quý giá.

Phải chăng Hanoia cũng bắt đầu từ những cái “được” ấy?
Nếu không có Hermès, chưa chắc đã có Hanoia, vì chính Hermès đã khơi dậy trong chúng tôi tình yêu với nghề thủ công truyền thống và chính những người bạn đến từ Hermès đã giúp đỡ, động viên, tư vấn chúng tôi xây dựng một thương hiệu sơn mài của riêng mình. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để đạt được các tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, để hợp tác với các nhà thiết kế trong và ngoài nước. Hiện nay, dù con số kinh doanh vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng thương hiệu Hanoia đã dần được người yêu nghệ thuật thủ công biết đến, thông qua các buổi tọa đàm văn hóa được tổ chức định kỳ tại Hanoia 38 Hàng Đào (Hà Nội) và Hanoia 15 Đông Du (Tp. Hồ Chí Minh) với các nghệ nhân và nghệ sĩ Việt Nam như nhạc sĩ Quốc Trung, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Bùi Hữu Hùng, nhà văn Nguyễn Quý Đức … Nhờ vậy, các sản phẩm của Hanoia từng được lựa chọn để tham gia các triển lãm quốc tế và làm quà tặng các vị khách quý của chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh Hanoia, sự giao thoa của hai nền văn hóa Pháp-Việt còn để lại dấu ấn ở những thương hiệu tự thân khác như thế nào?
Với Press Club, đó là ẩm thực sao Michelin, là bộ sưu tập rượu vang bên cạnh những món ăn Việt Nam truyền thống như phở, bún thang…, là những bức tường dán giấy Hermès bên cạnh những chiếc bàn sơn mài Hanoia được chế tác thủ công, là ly cocktail vị “phở” trong không gian gợi nhớ cây cầu Long Biên v.v… Với Alba Wellness Valley, là câu chuyện về nguồn suối khoáng nóng dưới chân dãy núi Trường Sơn được một vị bác sĩ và một thầy tu người Pháp tìm thấy từ những năm đầu thế kỷ trước, sau này tiếp tục được một dược sĩ Việt Nam khai thác và phát triển. Người dược sĩ đó chính là mẹ chồng tôi. Khi bà qua đời, tôi định rời Openasia để tiếp nối công việc của bà nhưng không ngờ cả hai người bạn Christian và Đại Từ đều quyết định cùng tôi đầu tư vào dự án này.

Sau 25 năm, chắc chắn Openasia đã xây dựng được cho mình những giá trị cốt lõi riêng. Vậy đâu là giá trị mà bà tâm đắc nhất?
Tại Openasia, chúng tôi mong muốn xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ, tự giác, hiệu suất cao, nơi mỗi nhân viên đều mong muốn làm giàu giá trị bản thân và mang những kiến thức, kinh nghiệm mình tích lũy được để tăng thêm giá trị cho đồng nghiệp. Và chúng tôi gọi đó là sự phát triển bền vững.

Bà có hay đọc tạp chí Heritage không? Chuyên mục nào mang đến cho bà nhiều cảm hứng nhất?
Tôi thường xuyên đồng hành cùng Vietnam Airlines nên cũng thường xuyên đọc tạp chí Heritage. Tôi rất thích những bài viết về các chuyến đi bởi nhờ chúng mà tôi đã thực hiện được hai hành trình đáng nhớ – chuyến đi Sơn Đoòng cùng cả gia đình và chuyến hành hương về vùng núi thiêng Kailash (Tây Tạng) cùng Đoàn Viết Đại Từ. Nếu ở Sơn Đoòng là niềm vui vỡ òa khi cả nhà cùng vượt qua cơn lũ bất chợt đổ vào hang thì ở Tây Tạng, với sự giúp đỡ của Đại Từ, chúng tôi trở thành hai người duy nhất trong đoàn chạm được vào chân núi thiêng Kailash.

Bà có lời chúc nào dành cho Heritage nhân dịp tạp chí tròn 20 năm tuổi?
Báo chí là công cụ tuyệt vời chạm đến trái tim của người đọc. Mong rằng Heritage luôn bền bỉ, vững vàng, mang đến cho bạn đọc những bài viết thật sâu, thật giàu cảm xúc để từ đó cuộc sống có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

Chuyện về người viết “văn hóa du thuyền” tại Việt Nam

Chân dung một doanh nhân Pháp đã góp phần hồi sinh nghề sơn mài truyền thống ở Việt Nam

Bài viết liên quan